Giới Thiệu Tác Phẩm

Bút Thuật của Nguyễn Du

 trong Đoạn Trường Tân Thanh

của Giáo Sư Đỗ Quang Vinh
 

                            Khải Chính Phạm Kim Thư

 

 
 

I. Tác Giả


Tác giả Đỗ Quang Vinh sinh năm 1933 và xuất thân là một giáo sư trung học ngay sau khi di cư vào Miền Nam năm 1954 và cũng trở thành nhà văn ngay sau đó.
Ông tốt nghiệp Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức khóa 16 năm 1963; năm 1968, ông giải ngũ và đậu Cử Nhân Luật Khoa; năm 1971, ông đậu Cao Học ban Tiến Sĩ Kinh Tế Đại Học Luật Khoa Saigon; năm 1972, ông làm Giám Đốc Saigon Ngân Hàng tại Nha Trang; năm 1987, ông rời quê hương đi tỵ nạn Cộng Sản và sang định cư tại Canada vào năm1989; năm 1992, ông tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Dục tại Đại Học Toronto và trở thành giáo sư trung học ở đây; và vào năm 1998, ông về hưu.
Hiện nay tác giả Đỗ Quang Vinh đang là một thành viên (thủ quỹ) của Ban Chấp Hành Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Canada. Ông là nhà văn và nhà thơ lão thành, rất lỗi lạc, và rất nổi tiếng ở Canada và hải ngoại.

II.Tác Phẩm Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh


Cuốn Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh là một tác phẩm khảo cứu và phê bình văn học rất trác tuyệt về Truyện Kiều của Nguyễn Du do Giáo Sư Đỗ Quang Vinh biên soạn.
Trong tác phẩm dày 360 trang này, tác giả Đỗ Quang Vinh đã trình bày về thi tài trác tuyệt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Đó là một áng văn chương óng chuốt, một nghệ thuật siêu tuyệt, và một kỹ thuật công phu trác tuyệt.
Ngoài phần "Thay Lời Tựa" do chính tác giả viết, tác phẩm Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh của tác giả Đỗ Quang Vinh còn gồm có các phần sau đây: "Tác Giả Đoạn Trường Tân Thanh," "Nội Dung Truyện Kiều," "Phần I: Nhưng Trích Đoạn Tiêu Biểu," "Phần II: Tổng Luận," "Kết Luận," và phần "Phụ Trương."
A. Trong phần "Tác Giả Đoạn Trường Tân Thanh," tác giả Đỗ Quang Vinh trình bày rất đầy đủ về dòng họ của Nguyễn Du, cuộc đời của Nguyễn Du, con người và danh phận của Nguyễn Du, và những bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Du ngoài Truyện Kiều.
B. Trong phần "Nội Dung Truyện Kiều," tác giả Đỗ Quang Vinh trình bày rất đầy đủ về các mục: "A. Đoạn Dẫn Nhập" nói về định mệnh vốn khắt khe, "B. Những Diễn Biến Trong Đời Thúy Kiều: mối tình đầu của Thúy Kiều với Kim Trọng, mười lăm năm luân lạc của Thúy Kiều, cảnh đoàn viên của Thúy Kiều và Kim Trọng," và "C. Kết Thúc: dầu định mệnh có khắt khe, song với thiện căn và tích luỹ thiện tâm, con người vẫn được tự do khắc phục hóa giải và lướt thắng như chính Kiều là một chứng nhân."
C. Trong "Phần I: Những Trích Đoạn Tiêu Biểu," tác giả Đỗ Quang Vinh đã trích dẫn 12 đoạn thơ rất tiêu biểu trong Truyện Kiều với các tiêu đề: "Hai Chị Em Kiều," " Kiều Viếng Mộ Đạm Tiên," "Kim Kiều trong Buổi Sơ Ngộ Ngày Hội Đạp Thanh," "Kiều Ngắm Trăng Xuân," "Kiều Tấu Đàn Cho Kim Trọng Nghe Lần Đầu Tiên," " Kim Trọng Từ Biệt Thúy Kiều Trước Khi Lên Đường Về Liêu Dương," "Kiều Nhớ Nhà khi Ở Lầu Ngưng Bích," "Từ Hải," "Kiều Nhớ Nhà khi Lấy Từ Hải," "Nghệ Thuật của Nguyễn Du Qua Vụ Thúy Kiều Xử Án Hoạn Thư," "Kim Trọng Trở Về Vườn Thúy," và "Kiều Tấu Đàn Cho Kim Trọng khi Tái Ngộ." Trong mỗi đoạn thơ này, tác giả Đỗ Quang Vinh đều diễn giải và bình luận về ình thức và nội dung một cách rất công phu và trác tuyệt, nhất là về bút thuật của Nguyễn Du liên quan tới nghệ thuật diễn tả tình cảm và tâm lý nhân vật; nghệ thuật miêu tả, tả người, tả cảnh; tài thẩm âm (tài diễn tả tiếng đàn); và cách gieo vần cấu tứ.
D. Trong "Phần II: Tổng Luận," tác giả Đỗ Quang Vinh đề cập tới các đề mục sau: "Tiếng Đàn Kiều Qua Tài Thẩm Âm của Nguyễn Du" và "Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh."
1. Về đề mục "Tiếng Đàn Kiều Qua Tài Thẩm Âm của Nguyễn Du," tác giả Đỗ Quang Vinh trình bày rất kỹ lưỡng và sâu sắc về cách diễn tả tiếng đàn của Nguyễn Du liên quan tới nhạc điệu, âm thanh, nhịp đàn đổi biến, tứ đàn, tiếng đàn trong bi kịch, cung đàn biến điệu, tâm tình chuyển biến, và nghệ thuật gắn liền với tâm hồn.
2. Về đề mục "Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh," tác giả Đỗ Quang Vinh diễn tả hết sức kỹ càng về phương pháp làm thơ và viết Truyện Kiều của Nguyễn Du liên quan tới văn chương chải chuốt (meticulous, soigné), nghệ thuật điêu luyện, và kỹ thuật công phu.
- Nói về văn chương chải chuốt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, tác giả Đỗ Quang Vinh đề cập tới lời thơ chuẩn xác, bóng bẩy, du dương, và bình dị trong sáng.
- Nói về nghệ thuật điêu luyện của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, tác giả Đỗ Quang Vinh đề cập tới nghệ thuật miêu tả như tả tình, tả cảnh, và tả người; và nghệ thuật kể chuyện như tự thuật, tự sự (kể đầu đuôi sự tình), và đối thoại.
- Nói về kỹ thuật công phu của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, tác giả Đỗ Quang Vinh đề cập tới việc kết cấu tình tiết và cấu trúc các nhân vật.
Đ. Trong phần "Kết Luật," tác giả Đỗ Quang Vinh nói về "Vấn Đề Thẩm Định Giá Trị Truyện Kiều" liên quan tới phương diện đạo đức; phương diện tư tưởng; và phương diện văn chương, nghệ thuật, cũng như kỹ thuật xây dựng của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
E. Trong phần "Phụ Trương," tác giả Đỗ Quang Vinh giới thiệu các bài thơ đọc xuôi đọc ngược của ông và các tác phẩm của ông đã xuất bản gồm: tập thơ nhạc Tin Yêu, cuốn khảo luận Tiếng Việt Tuyệt Vời, sách giáo khoa Học Đọc Tiếng Việt, thi phẩm Về Nguồn, tác phẩm khảo cứu và phê bình văn học Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh, và các tác phẩm sẽ được xuất bản: 1. Sách Việt học: Ca Dao Đố Vui Học Tiếng Việt (cuốn 2), Vietnamese for Foreigners; 2. Sách tôn giáo: Hành Trang Lên Đường (suy niệm), Phù Sa (thơ kinh).
Ngoài các tác phẩm trên đây, Giáo Sư Đỗ Quang Vinh cũng đã cho xuất bản các tác phẩm sau đây: Tài Liệu Giảng Dạy Tiếng Việt Lớp 8, Cuốn 1 (1992), Cuốn 2 (1993), do Toronto Board of Education phát hành; Ca Dao Đố Vui Học Tiếng Việt (cuốn 1), Toronto, 1996; Văn Tuyển Vườn Hồng, Cuốn I (1994), Cuốn II (1995), Cuốn III (1996), và Cuốn IV (1997).

III. Nhận Xét


Sau khi đọc hết 360 trang sách Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh của nhà văn Đỗ Quang Vinh, chúng tôi nhận thấy đây không nhưng là tác phẩm khảo cứu và phê bình văn học có giá trị tuyệt vời mà còn là cuốn sách giáo khoa biên soạn rất công phu và trác tuyệt. Cuốn sách giáo khoa này sẽ giúp ích rất hữu hiệu cho các giáo sư để dạy về môn văn chương tiếng Việt, nhất là môn giảng văn. Tác phẩm này còn là tài liệu rất chính xác và rất hữu ích để giúp cho những học sinh cùng mọi người muốn tìm hiểu và học hỏi về cái hay, cái đẹp, và cái hữu ích của Truyện Kiều.
Giáo sư Đỗ Quang Vinh đã dùng kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy của mình về môn văn chương Truyện Kiều trong hơn 40 năm để phân tích, phẩm bình, giải thích, và mổ xẻ tính cách tuyệt vời về bút thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh. Chính nhờ thế mà sau khi đọc tác phẩm Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh, mọi người sẽ thưởng thức và thấm nhuần được cái hay cái đẹp tuyệt diệu của Truyện Kiều như thế nào.
Những nhà thơ nào xem cuốn sách này của tác giả Đỗ Quang Vinh sẽ học hỏi thêm về nghệ thuật miêu tả (tả cảnh, tả tình, và tả người), nghệ thuật kể chuyện (tự thuật, tự sự, và đối thoại), và biết cách làm những câu thơ gọn gàng, giản dị, trang nhã, bóng bảy, súc tích, tự nhiên, thanh khiết, bình dị, và chuẩn xác.
Những nhà thơ nào chưa hiểu rõ cách làm những loại câu đối thường được dùng trong thể thơ lục bát thì tác phẩm này sẽ giúp cho họ hiểu rõ cách làm câu đối. Trong thơ lục bát, có hai loại câu đối thường được dùng là "bình đối" và "tiểu đối." "Bình đối," tức là hai câu thơ đối nhau, mọi câu một ý không liền suốt nhau (Bên thì mấy ả mày ngài / Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi). "Tiểu đối" còn gọi là "tựu cú đối," tức là trong câu lục, hai đoạn 3 chưa đối nhau; trong câu bát, hai đoạn 4 chưa đối nhau ( Làn thu thủy, nét xuân sơn, / Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh).
Với những ưu điểm tuyệt với về phương diện giáo dục và khai triển con đường về nguồn của tác phẩm Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh do Giáo Sư Đỗ Quang Vinh biên soạn, chúng tôi chưa từng thấy nhà văn hay giáo sư nào viết được cuốn sách công phu và trác tuyệt về Truyện Kiều như vậy. Với kinh nghiệm là người đã học thuộc lòng Truyện Kiều từ năm 13 tuổi và đã dạy môn Việt Văn từ năm 1958, chúng tôi tha thiết giới thiệu tác phẩm của nhà văn Đỗ Quang Vinh, Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh, với toàn thể người Việt hải ngoại.
Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được cả văn học thế giới ngưỡng mộ và đã trở thành một di sản văn hóa quốc tế. Chính vì thế cho nên mọi gia đình người Việt hải ngoại cần phải có ít nhất một cuốn Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh của tác giả Đỗ Quang Vinh để mọi người trong gia đình có sẵn tài liệu học hỏi và nghiên cứu về Truyện Kiều (một viên kim cương long lanh ngũ sắc).
Tác phẩm Bút Thuật của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh do tác giả đánh máy, trình bày, xuất bản ( tại Canada, năm 2003) và giữ bản quyền.


Đỗ Quang Vinh
5405 Kinglet Av., Mississauga, Ontario, L5V-2C8, Canada
email: doquangvinhvenguon@yahoo.com
vinhdo33@yahoo.com
Điện thoại: (905) 814-8708